Cá Tang Tím (Purple Tang) - Đặc điểm, cách chăm sóc chi tiết

Blog | by CÁ CẢNH ĐẸP

Cá Tang tím (Purple Tang), loài cá cảnh biển đến từ Biển Đỏ, thuộc họ cá đuôi gai, có màu tím ánh xanh độc đáo cùng chiếc đuôi màu vàng tươi,

Cá Tang tím (Purple Tang – Zebrasoma xanthurum), một loài cá cảnh biển có màu sắc nổi bật được ưa chuộng nhất trong họ cá Tang (cá đuôi gai). Với màu tím ánh xanh đậm sặc sỡ cùng chiếc đuôi màu vàng chanh, loài cá này là một điểm nhấn hoàn hảo cho bể thủy sinh nước mặn của bạn.

Trong bài viết hôm nay, hãy cùng cá cảnh đẹp tìm hiểu chi tiết về cá Tang tím để xem nó có nguồn gốc từ đâu, tập tính ra sao và liệu có phù hợp với người mới tập chơi cá cảnh không nha!

Thông tin về cá Tang tím (Purple Tang):

Tên khoa học

Zebrasoma xanthurum

Tên thường gọi Cá tang tím, cá đuôi gai tím
Lớp Actinopterygii - Cá vây tia
Bộ Acanthuriformes
Họ Acanthuridae - Cá đuôi gai
Chi Zebrasoma
Loài Z. xanthurum
Nguồn gốc Biển Đỏ
Tuổi thọ

Trong tự nhiên: 35 - 40 năm

Trong môi trường nuôi nhốt: 7 - 10 năm

Kích thước 20 - 23 cm

Nguồn gốc cá Tang tím (Purple Tang)

Cá Tang tím hay còn gọi là cá đuôi gai tím.

Cá Tang tím hay còn gọi là cá đuôi gai tím, tên tiếng Anh là Purple Tang, tên khoa học là Zebrasoma xanthurum, là loài cá cảnh biển có nguồn gốc và phân bố tự nhiên phổ biến nhất ở Biển Đỏ, ngoài ra, chúng còn phân bố ở một số vùng biển sau:

  • Vùng biển quanh bán đảo Ả Rập như: Yemen, Oman, Ả Rập Saudi,...
  • Tây bắc Ấn Độ Dương như: Eritrea, Somalia, Vịnh Aden....

Trong môi trường tư nhiên, chúng thường sinh sống ở các rạn san hô ven bờ với độ sâu chỉ từ 1 - 30 mét, nơi có vùng nước ấm, giàu ánh sáng, nhiều tảo biển, nhiều khe đá, khe nứt để ẩn náu.

Loài cá này được mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 1852 bởi nhà động vật học Edward Blyth. Tên gọi "xanthurum" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là "Xanthos - vàng" và "oura - đuôi", ám chỉ đuôi cá màu vàng nổi bật.

Ngoại hình cá Tang tím (Purple Tang)

Ngoại hình ấn tượng của một chú cá đuôi gai tím.

Cá Tang tím có vẻ ngoài vô cùng rực rỡ và nổi bật màu màu tím lam đậm cùng chiếc đuôi màu vàng sáng. Cùng tìm hiểu rõ hơn về ngoại hình của loài cá này nhé.

  • Kích thước: 20 - 23 cm ở cá trưởng thành.
  • Hình dáng: Hình oval dẹt, cao, mõm nhọn, mắt to giống với những loài cá đuôi gai khác, cá con có hình dạng giống với cá trưởng thành nhưng có màu nhạt hơn, vây ngắn hơn.
  • Màu sắc: Toàn thân có màu tím lam đậm, ánh xanh, thân cá có thêm hoa văn hình sóng hay đốm. đuôi cá có màu vàng tươi, vây lưng và vây bụng có màu giống màu thân, hơi bo tròn.
  • Đuôi gai: Cá tang tím có một cái đuôi gai sắc, nhọn ở hai bên gốc đuôi, đây vừa là vũ khí vừa là điểm đặc trung của họ cá đuôi gai.

Tập tính cá Tang tím (Purple Tang)

Một chú cá tang tím đang kiếm ăn trên lãnh thổ của mình.

Cùng tìm hiểu chi tiết về những tập tính thú vị của chú cá đuôi gai tím để xem nó có khác biệt gì so với những loài cá đuôi gai khác không nhé.

Hung dữ, có tính lãnh thổ cao

Cá đuôi gai tím có tính lãnh thổ rất cao, nhất là khi đã quen với môi trường mới, chúng sẽ ngay lập tức xác định một khu vực của riêng mình. Loài cá này cũng rất hung dữ với những con cá đuôi gai khác, nhất là loài có kích thước tương đương như cá đuôi gai vàng, cá tang sọc,...

Chỉ kiếm ăn trong lãnh địa nhất định

Cá Tang tím thường thích gặm tảo có trên các rạn san hô, bề mặt đá sống trong một khu vực nhất định, quen thuộc. Chúng rất ít khi đi ra lãnh địa của những con cá khác để kiếm ăn.

Hoạt động nhiều vào ban ngày, nghỉ ngơi vào ban đêm

Cá đuôi gai tím hoạt động rất khoa học, ban ngày nó sẽ bơi lội tung tăng khắp bể để gặm đá, tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên khi đêm đến, chúng sẽ tìm chỗ ẩn náu để nghỉ ngơi và thậm chí là ngủ.

Dễ thích nghi

Cá Tang tím là loài cá cảnh biển khá là dễ thích nghi với môi trường bể nuôi nhân tạo. Tuy nhiên, nó sẽ cần một khoảng thời gian để thích nghi thường kéo dài từ vài ngày đến đến vài tuần để có thể bơi lội tự tin trong bể mới.

Hướng dẫn nuôi cá Tang tím (Purple Tang) từ A - Z

Cá Tang tím thích rỉa rong rêu bám trên đá sống, san hô.

Cá đuôi gai tím được rất nhiều người chơi cá cảnh biển yêu thích bởi màu sắc đẹp mắt và khá là dễ nuôi. Tuy nhiên, muốn chú cá này phát triển tốt, lên màu đẹp, ít bệnh thì bạn hãy tham khảo hướng dẫn sau nhé!

Thiết kế bể nuôi cá Tang tím (Purple Tang) phù hợp nhất

Cá tang tím là loài có tính lãnh thổ cao, cho nên việc thiết kế bể là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cá có thể thích nghi với môi trường nuôi nhốt nhân tạo hay không. Một bể cá phù hợp để nuôi cá đuôi gai tím cần đáp ứng những điều cơ bản sau:

  • Kích thước bể: Dung tích tối thiểu 350 - 400 lít cho 1 con cá trưởng thành, lý tưởng 500 - 600 lít, chiều dài từ 1m2 trở lên, bể nên chú trọng về chiều ngang, hạn chế loại bể vuông hoặc bể quá sâu.
  • Trang trí bể: Bố trí nhiều đá sống tạo thành hang, hốc, khe để cá có nơi trú ẩn, ưu tiên cá có nhiều tảo tự nhiên để cá có thể "gặm nhấm" thỏa thích.
  • Hệ thống lọc: Cần có lọc tràn + lọc ngoài hay lọc đáy, máy skimmer để loại bỏ vụn hữu cơ, máy tạo sóng để tạo dòng chảy giống môi trường tư nhiên của cá.
  • Hệ thống đèn LED: Dùng loại đèn có ánh sáng xanh - trắng phổ biến trong bể cá cảnh biển, nếu nuôi thêm san hô thì cần dùng đèn chuyên dụng để giúp san hô quang hợp.
  • Phụ kiện khác: Có thể trang bị thêm máy sưởi, máy làm mát, bộ test nước hay máy đo độ mặn để giúp môi trường nước luôn ổn định.

Thông số nước phù hợp với cá Tang tím (Purple Tang)

Ngoài việc thiết kế bể thích hợp thì bạn cần quan tâm đến thông số nước trong bể, đây là yếu tố hàng đầu quyết định trực tiếp đên việc cá có thể phát triển tốt, sống lâu hay không. Sau đây là các chỉ số nước quan trọng mà bạn cần chủ ý:

  • Nhiệt độ: 24 - 27 độ C.
  • Độ mặn: 1.023 - 1.025 SG.
  • pH: 8.1 - 8.4
  • Amoniac, nitrit: Không cho phép
  • Canxi: 380 - 450 ppm nếu trong bể có nuôi san hô.
  • Oxy hòa tan: > 6mg/l

Cá Tang tím (Purple Tang) ăn gì?

Cá tang tím là loài cá thiên về ăn thực vật, đặc biệt là tảo. Tuy nhiên nếu muốn cá phát triển tốt, khỏe mạnh, có màu sắc đẹp mắt nhất thì bạn cần cung cấp một chế độ ăn đầy đủ với những thực phẩm sau:

  • Tảo biển (Nori): Loại thức ăn yêu thích nhất, chọn loại tảo khô dành riêng cho cá ăn tảo, nên cắt nhỏ, gắn vào giá kẹp để cá có thể rỉa cả ngày.
  • Thức ăn công nghiệp: Loại cám viên mảnh, lá có nhiều tảo xoắn, chất xơ, sản phẩm dành riêng cho cá ăn thực vật.
  • Rau củ luộc mềm: Cải bó xôi, bí đỏ,...bổ sung vitamin, khoáng chất.
  • Thức ăn bổ sung thêm: Thỉnh thoảng cho cá ăn tôm bóc vỏ cắt nhỏ, artemia cho cá lên màu đẹp.

Những loại cá nên, không nên nuôi chung với cá Tang tím

Vì cá đuôi gai tím có tính lãnh thổ cao, nên khi bạn muốn nuôi trong bể cộng đồng thì phải quan tâm lựa chọn những loài cá phù hợp và tránh những loài cá hung dữ, cụ thể như sau:

Cá nên nuôi chung:

  • Cá cảnh biển có kích thước nhỏ, hiền lành như cá Nemo (cá hề), clownfish...
  • Các loại san hô: Vì loài cá này an toàn với san hô.

Cá không nên nuôi chung:

  • Các loài cá đuôi gai khác như đuôi gai vàng, đuôi gai xanh (cá nẻ xanh),...
  • Các loài cá hung dữ như cá triggerfish, lionfish,...

Lưu ý khi nuôi cá Tang Tím

Khi nuôi cá đuôi gai tím, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Nên thả cá vào sau cùng nếu bạn nuôi nhiều loại cá đuôi gai khác nhau để tránh việc tranh dành lãnh thổ.
  • Quan sát kỹ cá khi mới thả vào bể để xem các dấu hiệu bất thường và xử lý kịp thời.
  • Nên bổ sung tỏi, vitamin trong thức ăn để tăng hệ miễn dịch cho cá.

Bệnh thường gặp ở cá Tang tím và cách điều trị

Mặc dù bình thường cá đuôi gai tím có sức đề kháng tốt, tuy nhiên nếu điều kiện nước không ổn định hoặc chế độ chăm sóc không phù hợp thì loài cá này cũng dễ mắc một số vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là những căn bệnh thường gặp ở cá tang tím và cách điều trị, mời các bạn cùng tìm hiểu thêm nhé!

Tên bệnh Nguyên nhân Triệu chứng Điều trị
Bệnh thối vây

Vi khuẩn

Do môi trường nước bị ô nhiễm lâu ngày

Mép vây cá bị rách, sờn, vây chuyển qua màu trắng đục hoặc màu đen

Cách ly cá bệnh.

Thay nước và vệ sinh bể nuôi.

Dùng thuốc kháng sinh như Kabamycin, Maracyn.

Bổ sung vitamin C trong thức ăn cho cá.

Nấm da

Do ký sinh trùng Amyloodinium ocellatum gây nấm da ở cá.

Do nước bẩn

Da cá trở nên mờ, có một lớp bụi vàng phủ lên.

Cá lờ đờ, thở dốc, bỏ ăn...

Cách ly cá bệnh ra bể riêng.

Dùng thuốc copper based

Tắt đèn trong bể để giảm sư phát triển của ký sinh trùng.

Đốm trắng

Do ký sinh trùng Cryptocaryon irritans.

Do môi trường nước không đảm bảo.

Cá bị stress

Cá mới mua chưa được cách ly mà đã thả vào bể

Cá xuất hiện đốm trắng li ti như muối.

Cá ngứa, hay gãi, cọ mình vào đá, vật trang trí.

Cá bỏ ăn, lờ đờ, lười bơi

Cách ly cá bệnh.

Dùng thuốc trị ich ở cá chứa copper hoặc forrmalin.

Tăng nhẹ nhiệt độ để khử trùng.

Thay nước, vệ sinh bể cá.

Tắm cá bằng muối loãng.

Giá cá Tang tím (Purple Tang)

Hiện nay, tại trên thị trường cá cảnh, giá cá tang tím thay đổi nhiều dựa vào nguồn gốc, kích thước và cửa hàng, quốc gia. Sau đây là mức giá tham khảo tại thị trường Việt Nam và quốc tế, cá bạn cùng tìm hiểu thêm nhé!

  • Giá cá Tang tím tại thị trường Việt Nam: Trên 450.000 VNĐ, tùy vào ngoại hình, nguồn gốc, size cá và cửa hàng bán.
  • Giá cá Tang tím tại thị trường quốc tế: Trên 170 USD (Tương đương 4.2 triệu VNĐ)

Hình ảnh cá Tang tím (Purple Tang) đẹp

Cuối cùng, mời các bạn cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh cá Tang tím tuyệt đẹp với màu sắc rực rỡ đang bơi lội uyển chuyển trong làn nước nhé!

Cá Tang tím và cá Tang vàng bơi cạnh nhau.

Màu sắc, hoa văn đốm, sọc độc đáo của một chú cá Purple Tang.

Hình ảnh siêu đẹp mắt của một chú cá đuôi gai tím đang bơi trong làn nước trong vắt.

Với những thông tin mà cacanhdep.org chia sẻ trên đây về cá Tang tím (Purple Tang), hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về ngồn gốc, tập tính cũng như cách chăm sóc loài cá biển độc đáo, xinh đẹp này. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm về nuôi cá cảnh và muốn bể cá của mình có điểm nhấn ấn tượng thì hãy lựa chọn cá đuôi gai tím nhé, đảm bảo bạn sẽ rất hài lòng cho mà xem.

Đừng quên truy cập chuyên mục Blog của chúng tôi để tìm hiểu thêm về những loài cá cảnh xinh đẹp khác nhé!

Bài viết liên quan